4 quan niệm sai lệch về giảm cân cần tránh
Ăn thanh lọc, giải độc, lạm dụng chế độ low carb và keto, dùng caffeine để bổ sung năng lượng là những sai lầm phổ biến của người muốn giảm cân.
Theo dữ liệu từ cộng đồng bệnh nhân trực tuyến PatientsLikeMe, 11% người Mỹ được khảo sát cho biết họ tham khảo thông tin sức khỏe, ăn uống, giảm cân thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Một số lời khuyên hữu ích và đáng tin cậy, thậm chí đến từ bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng đã được công nhận.
Tuy nhiên, nhiều lời khuyên trên mạng là thông tin sai lệch, có thể khiến mọi người chệch hướng trong quá trình giảm cân hoặc chăm sóc sức khỏe nói chung.
“Chúng ta dễ dàng bắt gặp những bài đăng chia sẻ về hành trình giảm cân, thanh lọc cơ thể, tự chữa bệnh của ai đó. Họ cố gắng khuyên những người khác cũng áp dụng cách này. Nhưng mọi người cần hiểu rằng, phương pháp hiệu quả với một người có thể vô tác dụng với những người khác”, tiến sĩ Jen Scheinman, giám đốc các vấn đề dinh dưỡng tại Timelinh Nutrition, cho biết.
Theo Rekha Kumar, phó giáo sư y khoa tại Đại học Cornell, các bài viết trên mạng thường đăng tin giật gân về chế độ ăn kiêng để kích thích tương tác của người đọc. “Nếu thực sự khách quan và cân bằng, phương pháp giảm cân đó sẽ được đăng tải trên tạp chí khoa học chứ không phải mạng xã hội”, ông Kumar nói.
Các chuyên gia đã chỉ ra những lầm tưởng phổ biến về các chế độ ăn kiêng và hiệu quả giảm cân của chúng.
Chế độ low carb và keto phù hợp với tất cả mọi người
Thực đơn keto và low carb giúp giảm cân, nhưng không phải ai cũng phù hợp với phương pháp này. Ở những người có bệnh nền tiểu đường, việc giảm carbohydrate có thể trở nên nguy hiểm, không phù hợp với đặc điểm sinh học của cơ thể.
Các loại thực phẩm trong chế độ keto tập trung vào chất béo cũng gây lo ngại. Theo tiến sĩ Scheinman, người giảm cân tăng cường ăn phô mai, bơ, bít tết, thịt xông khói đã qua chế biến. Họ hạn chế rau, ngũ cốc nguyên hạt và các chất dinh dưỡng quan trọng khác, vì vậy gây mất cân bằng trong chế độ ăn uống.
Các nghiên cứu trên những người sống lâu, khỏe mạnh phát hiện họ duy trì chế độ ăn giàu ngũ cốc nguyên hạt, đậu và các loại hạt.
Ngoài ra, việc tuân thủ chế độ keto và low carb trong thời gian dài rất khó khăn. Sau khoảng thời gian hạn chế, nhiều người đưa carb trở lại chế độ ăn của mình một cách thiếu lành mạnh, tiến sĩ Scheinman cho biết.
“Họ không tập trung ăn ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ giàu tinh bột. Họ quay lại ăn các loại carb đơn như bánh mì trắng, đường, mì ống trắng. Họ tăng cân trở lại, và mọi thứ trở thành vòng lặp”, bà giải thích.
Caffeine giúp bổ sung năng lượng khi ăn kiêng
Phó giáo sư Kumar cho biết caffeine là chất kích thích, khiến não bộ tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, về mặt sinh học, chất này không cung cấp dinh dưỡng hay năng lượng cho cơ thể. Nguyên nhân là caffeine không dẫn đến sản sinh tế bào ATP – hợp chất hữu cơ cung cấp năng lượng.
“Có những vùng não khiến chúng ta buồn ngủ, caffeine giúp làm dịu những đường dẫn truyền thần kinh đó. Nó chỉ che đậy cảm giác thiếu năng lượng chứ không giải quyết tận gốc vấn đề”, tiến sĩ Scheinman giải thích.
Tiêu thụ nhiều caffeine trong thời gian dài cũng dẫn đến tình trạng phụ thuộc. Uống cà phê cuối ngày ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây ngủ chập chờn. Đến sáng, mọi người tiếp tục thức dậy và dùng cà phê để tỉnh táo, cuối cùng thành chu kỳ không lành mạnh.
“Cơ thể chúng ta có những bào quan sản xuất năng lượng gọi là ti thể. Nếu nuôi dưỡng và chăm sóc chúng bằng lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ ngon, kiểm soát căng thẳng, cơ thể sẽ tự tạo ra năng lượng”, phó giáo sư Kumar nói.
Ăn chế độ thanh lọc, giải độc
Kumar cho biết không chế độ ăn nào có thể thanh lọc, giải độc cơ thể và ngăn ngừa nguy cơ mắc các loại bệnh mạn tính. Khái niệm này cũng không tồn tại trong y khoa.
“Thanh lọc kiểu này có thể giúp một số người cảm thấy bớt đầy hơi trong thời gian ngắn, nhưng tác dụng của nó không kéo dài, có thể dẫn đến tình trạng giữ nước và táo bón trở lại”, phó giáo sư Kumar nhận định.
Cơ thể có cơ chế loại bỏ độc tố một cách tự nhiên. Quá trình này phức tạp và diễn tra hàng ngày trong gan, thận, hệ tiêu hóa và ruột kết. Để hỗ trợ thải độc, mọi người có thể tập trung ăn chế độ dinh dưỡng, lành mạnh, đảm bảo giấc ngủ chất lượng, hạn chế tiếp xúc với các chất độc từ môi trường.
Các chế độ ăn thải độc, thanh lọc bằng thực phẩm đề xuất sử dụng sinh tố hoa quả, rau hoặc ăn thuần chay trong thời gian ngắn có thể vô hại. Tuy nhiên, một số người sử dụng các loại chất thải độc bổ sung không rõ thành phần, nguồn gốc.
Ăn chế độ thải độc còn có tác hại về tâm lý. Nhiều người có thói quen thanh lọc cơ thể sau kỳ nghỉ lễ với quan niệm rằng mình có thể ăn uống bừa bãi trước đó.
“Điều này gây ra mối quan hệ không lành mạnh với thực phẩm. Như thể bạn đang muốn làm sạch cơ thể sau một cuộc ăn chơi vô độ”, tiến sĩ Scheinman nói.
Thuốc giảm cân theo toa không có rủi ro
Nhiều người nổi tiếng cho biết họ giảm cân bằng cách dùng thuốc chống béo theo toa, thường được chỉ định tiêm cho bệnh nhân béo phì hoặc tiểu đường.
“Chúng có nhiều tác dụng phụ, chủ yếu là về đường tiêu hóa. Tác dụng lâu dài của chúng đối với những người không mắc bệnh chuyển hóa cũng chưa rõ ràng”, ông Kumar nói.
Sau khi ngừng tiêm, nhiều người có thể tăng cân trở lại nếu không theo đổi thói quen, lối sống.