4 tình huống không nên bắt tay người khác

Trong giao tiếp xã hội, bắt tay được coi là hành động tiêu chuẩn nhưng trong một số trường hợp, bắt tay gửi đi thông điệp sai hoặc thậm chí gây xúc phạm.

Người đang bận

Jules Hirst, chuyên gia về phép xã giao (Mỹ) lưu ý sẽ không phù hợp nếu bạn cố gắng bắt tay một người nếu tay họ đang bận. “Bạn sẽ làm phiền và gây khó chịu nếu yêu cầu người đó đặt những thứ đang cầm xuống để bắt tay”, Hirst nói.

Jodi RR Smith, chuyên gia về nghi thức và cách cư xử khuyên trong tình huống này, tốt nhất bạn nên công khai ý định chào hỏi họ một cách nồng nhiệt. Bạn có thể nói: “Xin chào! Thường thì tôi sẽ bắt tay bạn, nhưng có vẻ hai tay bạn đều đang bận rộn. Rất vui được gặp bạn”, bà gợi ý.

Người đang ốm

Các chuyên gia cho biết bắt tay được coi là lịch sự, nhưng không nên bắt tay nếu nó khiến một trong hai người có nguy cơ lây bệnh. “Ai bị ốm thì tốt hơn nên ở nhà, nhưng nếu họ buộc phải gặp gỡ thì không nên bắt tay bất kỳ ai”, Smith nói.

Điều này cũng áp dụng nếu ai đó không bị bệnh, nhưng sợ hãi về tình hình Covid-19. “Nhiều người vẫn ngại tiếp xúc vì sợ Covid. Bạn nên học cách chấp nhận điều đó và tôn trọng lựa chọn của họ”, Lisa Mirza Grotts, một chuyên gia về phép xã giao, khuyến nghị. Bà cho rằng trước năm 2020, mọi người không quan tâm nhiều đến bắt tay, nhưng kể từ khi đại dịch bùng phát, mọi bác sĩ mà chuyên gia này tiếp xúc đều nói họ không bắt tay.

Ảnh minh họa: Istock

Ảnh minh họa: Istock

Họ thể hiện sự không quan tâm ngôn ngữ cơ thể

Nếu ai đó tỏ ra không hứng thú với việc bắt tay hoặc không thoải mái khi tiếp xúc thân thể, tốt nhất bạn nên bỏ qua.

“Nếu bạn quan sát thấy ngôn ngữ cơ thể của ai đó tỏ ra không hứng thú với việc bắt tay thì bạn không nên bắt tay”, Hirst nói. Một số tín hiệu người đó đưa ra gồm “giữ hai cánh tay ở bên cạnh, gật đầu chào bạn, đặt tay lên tim hoặc đặt cả hai tay vào nhau trước ngực (tư thế ‘namaste’)”, bà giải thích.

Không phù hợp về mặt văn hóa, tôn giáo

Bắt tay phổ biến ở nhiều nền văn hóa, nhưng ở một số quốc gia nó là dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng, thậm chí bị cấm.

“Hãy tìm hiểu các phong tục văn hóa vì một số nền văn hóa nhất định không bắt tay nhau”, Hirst nói. Đặc biệt, một số tôn giáo coi việc nam nữ chưa kết hôn hoặc không có quan hệ huyết thống đụng chạm nhau là không phù hợp.

Smith nói rằng có thể có những dấu hiệu bên ngoài cho thấy một người ít sẵn sàng bắt tay hơn vì lý do tôn giáo. “Hãy lưu ý khi người khác mặc trang phục tôn giáo, trùm đầu hoặc trang phục vô cùng kín đáo. Trong những trường hợp này, tốt hơn là chờ xem họ có đưa tay ra không hoặc hỏi xem họ có muốn bắt tay không, trước khi có ý định chạm vào”, chuyên gia khuyên.

Nhật Minh (Theo Best Life)