7 thực phẩm đừng bao giờ cất trong tủ lạnh
Nhiều người có thói quen bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh và nghĩ rằng an toàn. Thực tế có những thực phẩm không phù hợp để cất tủ lạnh vì dễ sinh độc tố, gây bệnh tật.
Hầu hết các gia đình ngày này đều có tủ lạnh và có thói quen cất trữ tất cả thực phẩm trong tủ. Tuy nhiên thực tế không phải thực phẩm nào cũng thích hợp bảo quản trong tủ lạnh, chưa kể mỗi loại thực phẩm lại có cách bảo quản khác nhau.
Nếu chúng ta không biết cách bảo quản đúng, một số thực phẩm khi để trong tủ lạnh có thể mất đi dinh dưỡng và thậm chí còn sinh độc, dễ gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Dưới đây là 7 thực phẩm chị em đừng bao giờ cất trong tủ lạnh.
1. Khoai tây
Theo Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Mỹ (FSA), khoai tây là loại thực phẩm bạn không bao giờ nên cất trong tủ lạnh – vì nó có thể gây hại.
Trang web của FSA giải thích: “Thực phẩm quan trọng nhất không nên để trong tủ lạnh là khoai tây. Khi chúng được bảo quản trong tủ lạnh, tinh bột trong khoai tây sẽ được chuyển hóa thành đường. Khi nướng hoặc chiên, những loại đường này kết hợp với axit amin asparagine và tạo ra hóa chất acrylamide, được cho là có hại cho sức khỏe”.
2. Dưa hấu
Vào mùa hè, nhiều người thích để ăn dưa để trong tủ lạnh vì ăn sẽ mát hơn. Tuy nhiên mọi người nên biết trong các loại dưa đều có chứa nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên rất tốt cho sức khỏe, có thể ngăn ngừa ung thư hoặc nhiều vấn đề khác.
Điển hình như dưa hấu chứa một số chất chống oxy hóa như lycopene và beta-carotene. Nhưng các chất này sẽ mất đi khi chúng ta để dưa hấu trong tủ lạnh. Do đó, dưa hấu nếu đã cắt ra, bạn nên bọc lại bằng màng bọc thực phẩm để hạn chế việc thất thoát dinh dưỡng.
3. Tỏi
Nhiều người có thói quen để tỏi trong tủ lạnh mà không hề biết điều này sẽ khiến tỏi bị hư hỏng với tốc độ nhanh hơn do có thêm độ ẩm, trừ khi tỏi đã bóc vỏ và sơ chế. Tốt nhất nên để tỏi ở nơi khô ráo, không khí lưu thông tốt, ở nhiệt độ phòng và tránh ánh sáng. Tỏi cũng sẽ giữ được lâu hơn nếu để nguyên củ cho đến khi bạn sẵn sàng sử dụng.
4. Cà chua
Nhiều người thích cho cà chua vào tủ lạnh vì nghĩ rằng nó sẽ giòn và mát hơn khi cho vào các món salad. Tuy nhiên điều này là không nên. Việc để cà chua ở nhiệt độ dưới 12 độ C sẽ ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng của loại quả này, làm hỏng lớp màng bên trong quả, làm thay đổi mùi vị và kết cấu.
Nhiệt độ lạnh làm thay đổi kết cấu tự nhiên, cản trở việc sản sinh ra các hợp chất dễ bay hơi có trong cà chua. 65% các hợp chất này sẽ biến mất nếu để trong tủ lạnh.
Cà chua sẽ mất hương vị và có thể sẽ có vị hơi chảy nước và chưa chín. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cà chua bảo quản ở môi trường tự nhiên có hương vị thơm ngon hơn hẳn loại để trong tủ lạnh.
5. Trứng
Theo một nghiên cứu được công bố trên Journal of Food Protection, trứng khi được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, giá trị dinh dưỡng của nó sẽ giảm.
Những khoáng chất và enzym thiết yếu có trong trứng có thể mất đi tác dụng với sức khỏe con người khi trứng được bảo quản trong tủ lạnh do nhiệt độ lạnh có thể tiêu diệt các enzym hoạt tính. Hơn nữa, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng trứng được tích trữ trong tủ lạnh có nguy cơ cao hơn bị nhiễm vi khuẩn salmonella.
Salmonella là loại vi khuẩn có thể gây các bệnh nhiễm trùng như bệnh dạ dày, bệnh thương hàn. Vì vậy, tốt hơn cả là để trứng ngoài tủ lạnh và sử dụng nhanh để chúng không bị hỏng.
6. Rau thơm
Rau thơm, húng quế là các thực vật nhiệt đới không chịu được lạnh. Vì vậy, trong quá trình bảo quản nên hạn chế để trong tủ lạnh mà nên bảo quản ở nhiệt độ trong nhà.
7. Hành tây
Toàn bộ hành tây tốt nhất nên được giữ ở nơi tối và mát mẻ. Chúng chứa tinh bột nên sẽ bị ẩm, ngấm nước và dễ bị hỏng nếu cất trong tủ lạnh quá lâu. Sau khi cắt, hành tây nên được đậy kín trong hộp và để trong tủ lạnh.