Trách mắng trẻ thế nào là đúng?

Quát mắng hay bạo lực bằng lời nói không nên là cách dạy con bởi sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng tới trẻ.

Gần đây, trên mạng xã hội Trung Quốc một cô gái kể tình huống đang giặt quần áo cô vô tình làm đổ bột giặt ra khắp sàn. Tưởng sẽ bị bạn trai càm ràm trách móc, nhưng cô không ngờ anh xoa đầu cô an ủi rồi tự mình dọn dẹp. Hành động này khiến cô gái kinh ngạc bởi cô chưa từng được đối xử như vậy khi mắc lỗi trong gia đình mình.

Khi còn nhỏ, có lần cô gái vô tình làm rơi bát cơm, bị mẹ mắng té tát vì bất cẩn rồi quy cho tội không biết quý trọng đồ ăn, phá hoại công sức lao động của cha mẹ. Lần khác bị ngã khiến quần áo dính bẩn cũng bị người mẹ la mắng trước mặt người khác. Cô thấy mọi việc không phải cố ý, quần áo cũng không hư hại gì, chỉ cần giặt là lại sạch, tại sao mẹ lại tức giận như vậy?

Bởi vậy, khi còn nhỏ cô luôn cảm thấy sợ hãi khi đối diện với mẹ, tự trách bản thân không tốt mới khiến người lớn tức giận. Đến giờ khi so sánh với cách cư xử của bạn trai, cô gái hiểu ra, hóa ra ở một số gia đình trẻ không thường xuyên bị la mắng sẽ trở nên vị tha và biết cách an ủi người khác như cách người yêu ứng xử với mình.

Trong một số gia đình, bố mẹ thường la mắng con dù phạm lỗi nhỏ. Với họ, con cái dường như không bao giờ được mắc sai lầm.

Tuy nhiên, khi một đứa trẻ bước vào thế giới, mắc sai lầm là điều bình thường. Thái độ thái quá của cha mẹ đối với lỗi lầm của con không những không cần thiết mà còn tạo sức ép tới trẻ.

Theo giáo sư Li Meijinchuyên gia nổi tiếng về tâm lý tội phạm và tâm lý vị thành niên ở Trung Quốc, gia đình quá căng thẳng sẽ tạo ra hai kiểu trẻ em.

Thứ nhất là những đứa trẻ thích nói dối. Sau khi phạm sai lầm, trẻ sẽ nói dối để tránh sự trách móc và trừng phạt của cha mẹ. Thứ hai là những đứa trẻ không dám phạm sai lầm vì chúng hiểu mắc lỗi là sẽ bị trừng phạt nên không dám mạo hiểm và luôn ở trong vùng an toàn của mình.

Ngoài ra, bị trách mắng nhiều sẽ khiến lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương, từ đó sinh ra tâm lí phản đối, bất mãn. Trẻ sẽ càng không hiểu lý do tại sao mình bị la mắng và không nhận sai. Hệ quả của điều này có thể vô cùng khi đứa trẻ lớn lên.

Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc gần đây cũng đăng tải video về một cô bé khi giúp bố mẹ lau dọn bàn ăn, vô ý làm rơi cốc nước. Thấy vậy người mẹ động viên, mọi việc không cố ý, nên không có gì quan trọng. Không bị mẹ khiển trách, cô bé tươi cười, cúi xuống dọn dẹp cốc nước vừa làm rơi. Sau đó trong bữa tối người bố cũng vô tình làm rơi chiếc đĩa. Con gái ngay lập tức an ủi, xoa tay bố rồi lấy chổi quét thức ăn vương vãi trên sàn nhà. Có người bình luận dưới video “Khi cô bé lớn lên, chắc chắn sẽ trở thành một người ổn định về mặt cảm xúc, dịu dàng và nhân hậu”.

Theo giáo sư Li Meijin, con người ai cũng có lúc mắc sai lầm, nếu không liên quan đến đạo đức thì không quá nghiêm trọng. Khi một đứa trẻ nhận ra bản thân mắc sai lầm, nó thực sự cảm thấy buồn và tự trách mình. Là cha mẹ, điều quan trọng là sự hướng dẫn chứ không phải hình phạt khắc nghiệt sau đó.

Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng có suy nghĩ như vậy. Họ sẽ đặt câu hỏi “Nếu không được đánh mắng, cha mẹ dạy dỗ con cái như thế nào?”, “Làm sao một đứa trẻ chưa từng bị đánh, chưa từng bị la mắng có thể đủ mạnh mẽ để đối mặt với những thử thách trong tương lai?”.

Giáo sư Li Meijin cho hay, trước hết điều bố mẹ cần hiểu giáo dục có nghĩa là dạy dỗ và nuôi dưỡng mà không phải là sự la mắng bừa bãi. Sức ì của giáo dục từ thế hệ này sang thế hệ khác đã khiến nhiều người lầm tưởng rằng “giáo dục bạo lực” là hiệu quả nhất. Nhưng tác hại lâu dài của nó sẽ ảnh hưởng tâm lý trẻ suốt đời.

Sở dĩ trẻ nhỏ trở nên mạnh mẽ là khi chúng nhận đủ được sự yêu thương, đủ sức mạnh để chịu đựng những khó khăn và thất bại bên ngoài. Giáo dục cũng phải là học hỏi từ những khó khăn thực tế chứ không chỉ là những hình phạt đau đớn về mặt tinh thần.

Theo bà, la mắng là cách giải tỏa sự tức giận của cha mẹ, không phải là phương thức hiệu quả để thay đổi hành vi của trẻ. Khi một đứa trẻ sợ hãi, chúng sẽ chuyển sang chế độ “chiến đấu” hoặc “bỏ chạy”, trung tâm não bộ sẽ ngừng hoạt động. Giao tiếp một cách hòa bình sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn, từ đó dễ tiếp thu những lời dạy của cha mẹ.

Ai cũng có thể mắc sai lầm kể cả người lớn. Lúc này, điều trẻ cần là sự an ủi, cho chúng biết được phép mắc sai lầm trong mức độ cho phép. Không nên tùy tiện trách móc con, trẻ mắc lỗi là một cơ hội học hỏi, bố mẹ sẽ nắm bắt cơ hội này để hướng dẫn con tích lũy kinh nghiệm sống. Điều này đủ để giúp trẻ luôn cảm thấy tự tin, tương lai sẽ không sợ bất cứ khó khăn nào.

Một khi trẻ có thể tập trung trau dồi tài năng và nỗ lực hoàn thiện chúng, khả năng thành công sẽ cao hơn. Những đứa trẻ này dám phạm sai lầm và không bao giờ sợ gặp rắc rối. Chúng tràn đầy năng lượng trong sự lựa chọn của mình và tận hưởng cuộc sống một cách trọng vẹn.

“Có cha mẹ không trách móc sẽ là báu vật của đời con cái”, giáo sư Li Meijin nói.

Vậy cha mẹ nên làm gì khi con mắc lỗi?

Thứ nhất, hãy tìm hiểu rõ vấn đề đó. Nếu trẻ không cố ý thì không có gì đáng trách. Chỉ cần nói với con rằng không sao cả, an ủi chúng để cùng nhau giải quyết vấn đề. Thứ hai, nếu trẻ cố tình, hãy tìm ra nguyên nhân để giải quyết. Cần giúp trẻ hiểu nếu lần sau gặp khó khăn, có thể trao đổi trực tiếp và nhờ tới sự giúp đỡ từ người khác.

Chỉ cần cha mẹ luôn đủ tình yêu thương, kiên trì, trẻ mới có được một nền giáo dục tốt nhất.

                                                                  Trang Vy (Theo sohu)