Chủ nhà giữ Chứng minh thư của người giúp việc bị xử phạt 10-15 triệu đồng

Bạn đọc hỏi: Nhà tôi mới thuê người giúp việc gia đình qua người quen. Vậy tôi có phải ký hợp đồng với người giúp việc gia đình và cho tiền tàu xe khi về quê? Để làm tin, gia đình tôi có được giữ chứng minh thư của người giúp việc?

Về vấn đề này, theo Khoản 1 Điều 180 Bộ Luật lao động 2012 có quy định: Người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình.

Còn tại Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc. Cụ thể, trong thời hạn 10 ngày kể từ sau ngày ký kết hợp đồng lao động, chủ nhà phải thông báo với ủy ban nhân dân xã, phường thị trấn nơi người giúp việc làm việc.

Bên cạnh tiền lương, người sử dụng lao động phải trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Hằng năm, người sử dụng lao động phải trả chi phí khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Theo Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định về vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình như sau:

– Phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao độngcó một trong các hành vi sau đây: a) Không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình; b) Không trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình. Do đó, nếu chủ gia đình không ký kết hợp đồng lao động với người giúp việc là vi phạm pháp luật.

Gia đình bạn chỉ phải trả tiền tàu xe cho người giúp việc về nơi cư trú khi hai bên thống nhất kết thúc hợp đồng lao động. Nếu chủ gia đình thuê người giúp việc vi phạm các quy định trên sẽ bị phạt cảnh cáo. Bên cạnh đó, chủ gia đình sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng nếu giữ bản chính chứng minh thư của người giúp việc.

Nguồn: Tin Tức/ Thông tấn xã Việt Nam