Cách điều trị rôm sảy cho bé

Làn da trẻ vốn đã mỏng manh và nhạy cảm, vào mùa hè tuyến mồ hôi còn bị tắc nghẽn nên trẻ rất dễ bị rôm sảy. Khi trẻ bị rôm sảy, mẹ nên cho bé ăn mặc quần áo thoáng mát, thường xuyên và lau mồ hôi cho bé, cho bé ăn những loại rau quả có tính mát. Hãy cùng Giúp Việc An Tâm đi tìm hiểu những nguyên nhân và cách điều trị rôm sảy ở trẻ sơ sinh các mẹ nhé!

Nguyên nhân trẻ bị rôm sảy

Rôm sảy là hiện tượng da xuất hiện các mụn nước dưới da, sau đó nổi mẩn đỏ và có thể gây ngứa cho trẻ. Thông thường, trẻ sơ sinh thường bị rôm sảy ở vùng da đầu, cổ, vai, ngực và lưng hoặc có thể là ở kẽ nách, háng. Rôm sảy ở trẻ sơ sinh có thể tự khỏi nhưng cũng có một số trường hợp phải được điều trị. Dưới đây là những nguyên nhân gây rôm sảy ở trẻ sơ sinh:

  • Do tắc nghẽn tuyến mồ hôi khiến cho mồ hôi không thoát ra ngoài được.
  • Do mẹ mặc cho bé quần áo, tã lót bằng những chất liệu gây bí, nóng.
  • Trẻ bị sốt cao hoặc trẻ ở trong lồng kính cũng có thể bị nghẽn các ống tuyến mồ hôi.
  • Do một vài vi khuẩn thường trú ngoài da có thể bài tiết một loại chất nhờn làm bít các ống tuyến mồ hôi.

Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, rôm tự lặn hết, không gây tác hại gì. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp mụn rôm làm trẻ ngứa, gãi nhiều làm da sây sát, bị nhiễm khuẩn thêm thành những mụn mủ và nhọt.

Cách xử trí và phòng tránh rôm sảy

Cách xử trí rôm sảy ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh bị rôm sảy rất hay quấy khóc, khó chịu nên mẹ cần có những phương pháp xử trí tình trạng này như sau:

  • Phòng của trẻ phải rộng rãi, thoáng mát, tránh đông người
  • Cho bé mặc quần áo vải cotton mềm, thoáng, rộng
  • Tắm cho trẻ ngày một lần để da sạch sẽ, mồ hôi được bài tiết dễ dàng, có thể tắm cho bé bằng mướp đắng, lá sài đất tươi giã nát, chè xanh (đảm bảo an toàn) cho vào miếng vải sạch lọc vắt lấy nước tắm hoặc có thể tắm cho bé bằng sữa tắm diệt khuẩn. Sau khi tắm, lau khô trẻ bằng khăn tắm mềm, mịn, chất liệu cotton thấm hút tốt và không chà mạnh lên da trẻ. Tuyệt đối không sử dụng phấn rôm bôi lên chỗ rôm sảy.
  • Quần áo của bé phải được giặt sạch và được phơi ở nơi không có bụi khói
  • Cắt ngắn móng tay, móng chân cho trẻ để tránh khi bị ngứa trẻ gãi làm nhiễm khuẩn da.
  • Cho bé uống nhiều nước, ăn các loại trái cây như: bơ, cam, chanh, quýt, chè đậu xanh, đậu đỏ, cho bé ăn bột sắn, uống thêm nước rau má.
  • Không cho bé uống nước đá hoặc trái cây để quá lạnh có thể khiến bé bị viêm họng.
  • Nếu trẻ bị rôm sảy kéo dài hoặc có một số biểu hiện bội nhiễm như: da sưng, nóng, đỏ, đau, có mủ, sốt, ớn lạnh… thì cần đưa trẻ đi khám ngay

Một số cách dân gian chữa trị rôm sảy cho bé

Nên tắm rửa cho bé thường xuyên bằng một trong các thứ thuốc dân gian như:

  • Mướp đắng (hay còn gọi là khổ qua) cho vào máy sinh tố xay nhỏ, cho bã vào miếng vải buộc chặt, nấu lấy nước cho bé tắm. Làm như vậy đều đặn trong một tuần, các nốt rôm sảy ở trẻ sẽ lặn hết. Liều lượng là 2 quả mướp/lần tắm.
  • Lá chè xanh, rửa sạch, bóp nát nấu với nước, dùng tắm cho bé có tác dụng kháng khuẩn và làm mát da.
  • Lá kinh giới, lá đậu ván nấu với lượng nước vừa đủ, đun lên tắm cho bé. Liều lượng là 2-3 mớ kinh giới/lần tắm.
  • Dùng nước ấm, pha thêm chút muối không quá mặn và tùy theo lượng nước nhiều hay ít mà vắt thêm vào đó một hoặc nửa quả chanh, tắm cho bé sẽ cho cảm giác mát mẻ. Các mẹ nhớ đừng cho muối và chanh quán nhiều nhé vì sẽ làm rát da bé.

Cách phòng tránh trẻ sơ sinh bị rôm sảy

  • Không nên ủ bé quá kỹ hay mặc quá nhiều quần áo cho bé.
  • Cần hạn chế để trẻ đi ra nắng, tắm nước mát, uống đủ nước.
  • Tránh làm trầy xước các vết rôm sảy, bởi lẽ khi bị trầy xước da, dễ dẫn đến nhiễm trùng da.