Con lười làm việc nhà vì được bố mẹ cung phụng đầy đủ

“Con gái tôi năm nay học lớp 11 rồi nhưng không biết làm việc nhà. Ngay cả phòng riêng con cũng không tự dọn dẹp mà để bừa bộn, dơ bẩn như ở bãi rác”.

Đó là chia sẻ của chị Hồng Ngọc – một nhân viên ngành truyền thông – trong nhóm chat bạn thân của mình.

Không muốn đụng tay vào việc gì

Nghe vậy, một phụ huynh tên Xuân Mỹ trong nhóm cũng kể: “Con nhà tôi chỉ có một ưu điểm duy nhất: học giỏi. Nhưng khuyết điểm lớn nhất là lười biếng. Đến tuổi cập kê rồi mà bạn ấy không muốn đụng tay vào việc gì. Kêu rửa chén thì sợ nước bắn tung tóe, dơ hết người; kêu lau nhà thì than đau lưng; kêu vào bếp học dì Bảy (người giúp việc) cách nấu ăn thì nó bảo: đó là nhiệm vụ của người giúp việc, con học làm gì!”.

Cứ tưởng chuyện của chị Hồng Ngọc, chị Xuân Mỹ là cá biệt. Không ngờ, các bà mẹ khác cũng thi nhau “kể tội” con mình trong nhóm chat của hội bạn thân.

“Mình cũng ý thức rất rõ việc dạy con làm việc nhà và rèn cho con kỹ năng tự phục vụ. Ngay từ khi con trai đầu mới 5 tuổi, mình giao cho con một việc duy nhất: ăn cơm xong thì dọn chén đĩa, mang vào bồn rửa. Nhưng thằng bé phản ứng mãnh liệt: Ăn cơm xong, bố mẹ là người lớn mà ngồi chơi, bắt một đứa con nít đi dọn dẹp” – chị Thi Hồng, nhà ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM), góp chuyện.

Còn chị Hồng Nguyên – nhà ở Q.Tân Bình – cũng thêm vào: “Như vậy vẫn còn đỡ. Con tôi nè, học đến lớp 7 tôi mới giao nhiệm vụ con phải tự gấp quần áo mặc ở nhà của con và cho vào tủ. Vậy mà thằng bé cãi ngay: Cần gì phải gấp quần áo cho mệt. Lúc phơi trên móc như thế nào thì rút vào để nguyên như thế trong tủ. Khi mặc đến cái nào thì lấy cái đó xuống, tiết kiệm được thời gian… Tôi cứng họng luôn”.

Chưa hết, chị Nguyên kể tiếp: “Rồi lúc thay quần áo cũng vậy, tôi yêu cầu con phải bỏ quần áo dơ vào sọt hoặc treo lên móc để chiều về mặc tiếp thì bạn ấy phân trần: Thay quần áo ở đâu cứ để nguyên chỗ cũ (dưới đất), chiều về chỉ việc xỏ vào là xong, không cần phải treo lên cho mất thời gian”.

Ỷ lại người giúp việc

Theo chị Ngọc Hà – phụ huynh có hai con ở Q.2 – thì một trong những sai lầm của các bậc làm cha, làm mẹ là thuê người giúp việc trong nhà khi con đã lớn. Có người giúp việc thì trẻ thường ỷ lại, không chịu làm gì cả. “Sở dĩ hai con tôi biết làm tất cả những việc nhà thông thường như lặt rau, nấu cơm, rửa chén, lau nhà, ủi đồ… là vì tôi không thuê người giúp việc khi con út vào học lớp 6” – chị Hà nói.

Không những thế, chị Phương – phụ huynh ở Q.2 – còn đúc kết: “Trẻ lười làm việc nhà vì từ nhỏ chúng đã được ba mẹ cung phụng đầy đủ khi ở nhà, đến lúc đi học cũng được thầy cô ở trường mầm non, tiểu học cưng chiều”.

Chị Phương kể: “Đầu năm học vừa rồi, thầy chủ nhiệm của con tôi đã nhấn mạnh trong buổi họp phụ huynh rằng: Ở bậc THCS, học sinh sẽ thay phiên nhau trực nhật lớp. Nhưng đa số các con lớp mình đều không biết quét lớp, không biết lau nhà. Thầy yêu cầu các phụ huynh phải dạy con làm việc nhà, dạy kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ…

Về nhà, tôi kể chuyện ở trường cho con nghe, không ngờ cháu đề nghị: “Nhà mình có dì Chín (người giúp việc) thì con phải học làm gì nữa. Còn trên lớp thì dễ mà, mẹ là trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, mẹ vận động các phụ huynh quyên góp tiền để mua một con robot hút bụi cho tụi con đỡ khổ. Mẹ nhớ bữa đi siêu thị không, người ta rao bán một con robot hút bụi giá có vài triệu đồng, rẻ quá trời! Lên lớp 6 khổ thiệt, thầy bắt tụi con quét rồi lau phòng học, lau bảng, lau kệ, dơ bẩn, bụi bặm, mệt phờ người luôn”.

* ThS tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh:

Rèn kỹ năng qua việc nhà

my linh 4(read-only)

Rèn cho trẻ biết và làm thuần thục việc nhà có hai cái lợi: thứ nhất là dạy trẻ về trách nhiệm của bản thân đối với gia đình mình; thứ hai là tập cho trẻ sống chủ động, dễ dàng thích nghi với môi trường sống mới nếu có thay đổi (nhiều đứa trẻ không biết làm việc nhà, khi lớn lên đi học xa nhà rất vất vả và tội nghiệp).

Nếu muốn rèn con em vào nề nếp, hiểu được trách nhiệm của bản thân và vui vẻ làm việc nhà thì phụ huynh cần phân công công việc trong gia đình một cách rõ ràng, cụ thể. Thời gian đầu, cha mẹ sẽ cùng làm với con vì nếu làm một mình thì trẻ dễ rơi vào trạng thái ngại làm và sợ làm. Khi con đã làm việc nhà quen rồi, có nề nếp rồi thì trẻ làm một mình cũng không ngại nữa.