Quân tử hay tiểu nhân, chỉ cần nhìn 3 điểm sẽ rõ

Tăng Quốc Phiên từng nói: “Ta thà không biết chữ nhưng nhất định phải hiểu lòng người”. Bằng cách nhìn thấu một người, mình có thể lựa chọn tiếp tục kết giao hay dừng mối quan hệ đó lại. Có rất nhiều cách để phân biệt quân tử hay tiểu nhân, dưới đây là 3 điểm rõ nhất.

1. Người quân tử hòa mà không đồng, kẻ tiểu nhân đồng mà không hòa

Người quân tử khi giao tiếp, đối nhân xử thế thì có lòng độ lượng bao dung mọi người, nhưng vẫn kiên trì giữ vững quan điểm và suy nghĩ của mình, cùng mọi người giúp đỡ, bổ sung lẫn nhau chứ không a dua phụ họa quyền thế, không hùa theo thế lực hắc ám.

Kẻ tiểu nhân kết giao ắt sẽ cùng mưu lợi, dựa vào cường quyền, ai nấy đều ôm lòng hại người lợi mình. Để đạt được tư lợi thì cả bọn về bề ngoài đoàn kết nhất trí, nhưng quay lưng lại liền ngấm ngầm công kích nhau, triệt hạ nhau

Người quân tử sẽ không dựa dẫm vào người khác chỉ vì họ giàu và mạnh hơn mình. Họ sẽ không bao giờ dễ dàng đồng ý với người khác, đây là ý nghĩa của sự hòa hợp nhưng khác biệt.

Đặc điểm lớn nhất của kẻ tiểu nhân là họ không quan tâm đến việc đúng hay sai, họ chỉ muốn thu lợi cho mình, thậm chí làm những việc tổn thương người khác vì lợi ích của mình. Họ đang đeo mặt nạ ngụy trang, giả vờ tốt với mọi người, để người khác thả lỏng phòng bị trước mình, rồi nhân cơ hội trục lợi cho mình.

2. Quân tử cầu mình, tiểu nhân cầu người

Từ trước đến nay, người thực sự có thể làm được những điều vĩ đại luôn là người quân tử. Tại sao lại như vậy? Bởi vì khi gặp mâu thuẫn thì người quân tử tìm nguyên nhân ở chính bản thân mình, còn tiểu nhân thì tìm lỗi ở người khác.

Đối với kẻ tiểu nhân, việc dùng thủ đoạn gian xảo, lợi dụng, dựa dẫm, thậm chí dẫm đạp lên người khác để đạt được mục đích là chuyện thường thấy, và lợi ích đó sẽ không kéo dài. Kẻ khác dù yếu đuối đến đâu sớm muộn gì cũng nhìn thấu bản chất của tiểu nhân, dần dần sẽ xa lánh hoặc tìm cách báo thù.

Ngược lại, người quân tử dựa vào năng lực, sự chăm chỉ và khả năng của chính mình để đạt được thành công, không phải lúc nào họ cũng muốn có quý nhân giúp đỡ mà bởi họ hiểu rằng “dựa núi núi đổ, dựa người người đi”.

3. Người quân tử giữ lập trường mà không tranh đoạt với ai, hoà hợp với mọi người mà không bè đảng

Nếu muốn đạt được lợi ích nhỏ chỉ cần làm việc chăm chỉ là đủ; nếu muốn đạt được thành công lớn, người ta phải có trí tuệ hơn người; nếu muốn gặt hái được những thành tựu ngoài tầm với của người khác, người ta cần có suy nghĩ và kế hoạch vượt xa người thường.

Khi một người làm bất cứ việc gì cũng không cưỡng cầu, tranh giành với người khác thì sẽ không vướng vào chuyện thế sự, tranh chấp. Hơn nữa, thành quả mà họ đạt được là thuận tình chính nghĩa, không ai có thể tự ý cướp đi được.

Muốn biết một người là quân tử hay tiểu nhân chỉ cần xem anh ta có tính toán so đo những chuyện vụn vặt hay không, có vì chút tư lợi cá nhân mà gây gổ với người khác hay không.

Người quân tử không tranh danh đoạt lợi, không phải là hèn nhát mà là sự khôn ngoan, họ không muốn đứng dưới bức tường nguy hiểm và không bao giờ chấp nhận làm biến chất nhân cách của mình, bởi vậy họ mới có thể bình an và đạt được thành công.

Kẻ tiểu nhân không chỉ cấu kết với người khác để trục lợi mà còn lập bè đảng vì mục đích riêng tư. Chơi với nhau vì lợi nhuận, cuối cùng họ sẽ tự hiểu bản chất của nhau mà rời bỏ nhau, nghi ngờ nhau, thậm chí đoạt mạng nhau, đây thực sự là kết quả đáng thương của kẻ tiểu nhân.

Có câu nói rằng: “Vào núi không sợ cọp hại người, chỉ sợ lòng người là lưỡi dao hai lưỡi”; muốn đứng vững trong xã hội này, chúng ta phải có khả năng nhìn thấu tâm địa con người. Ít nhất bạn có thể phân biệt được ai là quân tử và ai là tiểu nhân, để có thể tự bảo vệ chính mình, hãy học hỏi người quân tử và cắt đứt tình bạn với kẻ tiểu nhân,