Dạy con về tiền nên bắt đầu từ lúc con học tiểu học
Làm chủ chi tiêu, biết tiết kiệm, học cách kiếm tiền và quyên góp… là những kiến thức trẻ cần được học ngay từ khi tiểu học để thành công sau này.
Trên con đường trưởng thành của con, ba mẹ chính là người thầy đầu tiên, và cũng là bạn đồng hành suốt đởi của con. Bên cạnh kiến thức văn hóa, các chuyên gia giáo dục khuyến khích các bậc phụ huynh nên giáo dục trẻ những khái niệm, kỹ năng tài chính từ bé, để con có nhận thức đúng đắn về sức lao động và giá trị đồng tiền.
1. Hiểu tiền từ đâu mà có và biết cách tiết kiệm
Giá trị của đồng tiền trong cuộc sống là điều mà hầu như ai cũng nhận ra. Muốn có một cuộc sống tốt, bạn phải biết kiếm ra tiền và tiết kiệm tiền. Vì kiếm được tiền mà không biết cách tiết kiệm, một người vẫn có thể dễ dàng túng thiếu, khó khăn khi gặp những vấn đề bất trắc, bệnh tật hay rủi ro.
Dẫn chứng một khảo sát dành cho sinh viên với 17 -18% sinh viên được hỏi biết tiết kiệm tiền, còn 80% là tiêu hết sạch, hoặc không biết phải làm gì với tiền, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng đây là hệ quả của việc các bạn không được trang bị kiến thức quản lý tiền bạc từ sớm. Tiền bạc thường là vấn đề mà nhiều người tránh khi nói với trẻ em, tuy nhiên theo ông đó là một sai lầm. “Luyện tập kỹ năng tài chính cho trẻ em là rất quan trọng. Vì vậy, nên giáo dục về tiền cho trẻ em từ sớm, thậm chí là trước 6 tuổi”, ông khẳng định.
Khi dạy con về tiền, các chuyên gia khuyên rằng cần thiết phải dạy con các khái niệm tổng quát về tiền, rằng tiền không sẵn, mà phải kiếm cũng như biết tiết kiệm, chi tiêu và chia sẻ để hiểu đúng giá trị của đồng tiền. Tùy lứa tuổi của con, các khái niệm này sẽ được mở rộng hơn và cha mẹ có thể lựa chọn những cách hướng dẫn theo mức độ phù hợp với con.
Để giúp con tiết kiệm, theo biên tập viên Diệp Chi, ba mẹ có hai việc cần làm: lập bảng tiết kiệm để mua được những thứ mà con mong muốn và giúp con hình thành thói quen tiết kiệm mỗi ngày. Việc tiết kiệm tiền đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn hàng ngày của bố mẹ. Nếu thành công trong việc dạy con tiết kiệm, bố mẹ cũng giúp con học được tính kiên nhẫn; biết chờ đợi để có thể đạt được điều mình mong muốn; biết trân trọng giá trị đồng tiền.
2. Đặt mục tiêu tài chính và học cách chi tiêu
Theo các chuyên gia giáo dục, tâm lý và phát triển bản thân, với trẻ em, việc cha mẹ không dễ dàng đáp ứng nhu cầu của con mà giúp con xây dựng mục tiêu tài chính và hướng dẫn con, cùng con học cách chi tiêu có kế hoạch… sẽ giúp bé hiểu đúng giá trị của đồng tiền, có trách nhiệm và làm chủ được hành vi của mình.
Các mục tiêu có thể ngắn hạn như mua một đôi giầy, học một khóa học mà con yêu thích, hay dài hạn như trở thành phi công, bác sĩ sau này… Khả năng xây dựng mục tiêu dài hạn bắt đầu từ các mục tiêu ngắn hạn. Mục tiêu có thể đến ở mọi lĩnh vực: học tập, vui chơi, sức khỏe, không chỉ là tài chính… Điều quan trọng là bé biết cách xác định mục tiêu và rèn luyện kỹ năng để thực hiện.
3. Dạy con biết quyên góp là hành động chia sẻ thiết thực
Nếu con ích kỷ, chỉ biết “nhận” mà không để ý đến người khác ra sao, không bao giờ nghĩ đến việc “mình phải làm gì?”, con sẽ khó mà thành công trong cuộc sống sau này, bởi mọi người sẽ tránh xa con.
Theo chuyên gia giáo dục, cha mẹ không nên “dành” tất cả cho con. Ví dụ, cả nhà ăn pizza, đã chia đều mỗi người một miếng, nếu con muốn ăn cả phần của cha mẹ, cha mẹ hãy tỏ ra mình cũng thèm ăn để con biết rằng con cũng cần quan tâm đến mong muốn của cha mẹ.
Tương tự đối với những mối quan hệ khác như bạn bè hay cộng đồng trong xã hội, con có thể học cách sẻ chia không phải từ những điều lớn lao mà nên bắt đầu từ những việc nhỏ. Ví dụ thu gom giấy báo cũ, sách vở truyện cũ, quần áo cũ chia sẻ lại cho những bạn kém may mắn. Lớn hơn một chút, con có thể tham gia các hoạt động thiện nguyện và đóng góp theo khả năng của mình.
Cha mẹ nên đồng hành với con để giúp con hiểu rằng việc đóng góp, chia sẻ đúng nơi đúng chỗ và phù hợp là việc cần làm, để giúp con hiểu hơn về giá trị của đồng tiền, để có trách nhiệm và làm chủ tài chính cá nhân của mình.
Kim Anh