Các thói quen xấu trẻ e dễ bắt chước bố mẹ

Con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, bởi vậy mọi hành vi của trẻ phần lớn học được từ người lớn.

Dưới đây là danh sách 12 thói quen xấu mà trẻ nhỏ dễ bắt chước cha mẹ nhất.

1. Hà tiện với bản thân nhưng hào phóng với con cái

– Tác hại: Cha mẹ cho rằng đây là cách thể hiện yêu thương với con cái, nhưng điều này chỉ khiến trẻ có lối sống xa xỉ, không quý trọng đồng tiền và không có ý thức quản lý tài chính tốt.

– Thay đổi: Yêu trẻ không có nghĩa là cho trẻ nhiều tiền, mà là cho một cách phù hợp. Dạy biết cách tiết kiệm từ sớm sẽ giúp trẻ có tâm lý chủ động, tự lập hơn trong quá trình trưởng thành.

2. Không lễ phép, cư xử lỗ mãng

– Tác hại: Cha mẹ cư xử lỗ mãng, làm hoặc nói ra những điều bất lịch sự trước mặt con cái sẽ khiến trẻ hiểu rằng việc làm này không sai trái. Ban đầu trẻ có thể vô thức bắt chước, nhưng lâu dần trở thành thói quen và trẻ cho phép mình được hành xử như vậy.

– Thay đổi: Cha mẹ phải xem lại những hành động và lời nói của mình khi giao tiếp với người khác. Không nên chửi bậy, nói tục hay có thái độ không đúng đắn với người đối diện. Một khi hành xử của bố mẹ chưa chuẩn mực, không thể yêu cầu trẻ văn minh.

3. Cho trẻ thoải mái xem máy tính và chương trình người lớn

– Tác hại: Nhiều chương trình người lớn không phù hợp với trẻ vì dễ gây ra sai lầm trong nhận thức. Bức xạ từ thiết bị điện tử cũng có thể gây hại cho trẻ nếu sử dụng quá nhiều. Việc không vận động, chỉ ngồi một chỗ xem hoặc chơi máy tính, ti vi cũng dễ gây ra các vấn đề về xương.

– Thay đổi: Cho trẻ xem ti vi hoặc sử dụng máy tính phù hợp với giai đoạn phát triển, nội dung phải lành mạnh. Thời gian xem các thiết bị điện tử cũng cần được quy định chặt chẽ, bố mẹ cần kiểm soát nội dung con chơi và xem hàng ngày.

4. Thích so sánh con mình với trẻ khác

– Tác hại: Nhiều cha mẹ cho rằng việc so sánh sẽ khiến trẻ có động lực, muốn vượt qua người khác. Tuy nhiên, việc này lại gây tác dụng phụ khi tạo áp lực không đáng có lên con, khiến trẻ bị tổn thương dẫn tới tâm lý tự ti, so đo với người khác.

Việc so sánh trẻ với những người khác có nguy cơ khiến trẻ tự thấy mình kém cỏi và làm gì rồi cũng gặp thất bại. Ảnh minh họa: toutiao.

Việc so sánh trẻ với những người khác có nguy cơ khiến trẻ tự thấy mình kém cỏi và làm gì rồi cũng gặp thất bại. Ảnh minh họa: toutiao.

– Thay đổi: Đừng dùng tiêu chuẩn của những đứa trẻ khác để đo lường con mình. Nên để trẻ phát triển tự nhiên, đừng quá lo lắng miễn là không bị tụt hậu hay ì ạch. Mỗi một đứa trẻ đều có ưu điểm riêng, bố mẹ nên động viên để phát huy tối đa ưu điểm đó.

5. Bao bọc trẻ quá nhiều

– Tác hại: Nhiều cha mẹ vì yêu chiều con đã không để trẻ nhúng tay vào bất kỳ việc gì. Hành động này thực sự tước đi cơ hội thực hành, học tập cũng như rèn luyện kỹ năng cho trẻ. Hậu quả sẽ khiến trẻ trở nên lười biếng, không có các kỹ năng chăm sóc bản thân, sau này khó thích nghi với cuộc sống tập thể.

– Thay đổi: Giao cho trẻ một số việc trong khả năng làm được để trẻ hiểu rằng chỉ chăm chỉ mới có thưởng. Cách làm này cũng tạo cơ hội cho trẻ học các kỹ năng mềm nên có.

6. Thường có hành động và cảm xúc tiêu cực trước mặt trẻ

– Tác hại: Bố mẹ tiêu cực cũng sẽ gây ra những cảm xúc tiêu cực ở trẻ. Lâu dần, trẻ vô thức học cách đổ lỗi cho người khác thay vì xem xét lỗi lầm của chính mình cũng như không biết cách giải quyết sai lầm.

– Thay đổi: Nên tiết chế, cân nhắc mọi cảm xúc của bản thân khi nói chuyện với trẻ. Không nên để trẻ nghĩ rằng bố mẹ là người thích than thở. Trước mọi vấn đề của cuộc sống, dù khó khăn thế nào cha mẹ cũng nên có thái độ lạc quan và đưa cách giải quyết trước mặt trẻ.

7. Nói dối

– Tác hại: Nhiều cha mẹ vẫn có thói quen nói dối, không thực hiện lời hứa trong những tình huống đơn giản hàng ngày. Dần dà, trẻ sẽ không còn tin tưởng người lớn và cảm thấy nói dối là không sai. Điều này dẫn đến sai lệch về nhận thức.

– Thay đổi: Hãy trân trọng sự tin tưởng của trẻ, đừng làm cho có và thực hiện mọi lời hứa với con.

8. Không đúng giờ

– Tác hại: Một đứa trẻ sống với bố mẹ có thói quen trì hoãn và không có ý thức về thời gian sẽ không có khái niệm đúng giờ. Chúng không thể hiểu sự nguy hại của việc trì hoãn hay câu giờ ảnh hưởng đên tính cách và công việc trong tương lai như thế nào.

– Thay đổi: Ngay từ nhỏ nên lập thời gian biểu hàng ngày, để trẻ biết cách quý trọng thời gian. Cha mẹ cũng phải làm gương cho trẻ, hứa việc gì với trẻ phải cố gắng đúng giờ.

9. Không tuân thủ luật giao thông

– Tác hại: Vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng… những hành động này của cha mẹ không chỉ đe dọa đến tính mạng bản thân, mà còn khiến trẻ học theo. Một khi trẻ không có ý thức an toàn giao thông và bảo vệ mình rất dễ gặp nguy hiểm.

– Thay đổi: Tuân theo luật giao thông khi có hoặc không có trẻ em. Dạy trẻ biết tầm quan trọng của việc tuân thủ luật giao thông và nói với trẻ rằng làm như vậy, chúng thực sự đang tự bảo vệ mình.

10. Chỉ trích trẻ nơi công cộng

– Tác hại: Điều này làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, khiến chúng thấy xấu hổ, tự ti. Chỉ trích nơi công cộng cũng sẽ ảnh hưởng đến tình cảm giữa cha mẹ và con cái, khiến trẻ không nhận ra lỗi lầm của mình mà chỉ mang lòng oán hận.

– Thay đổi: Nên chỉ ra lỗi sai của trẻ kịp thời nhưng thái độ phải nhẹ nhàng, nói cho trẻ biết vì sao sai. Mục đích của cha mẹ là để trẻ sửa sai chứ không phải để tấn công trẻ.

11. Lười luyện tập thể thao

– Tác hại: Đây là vấn đề chung của hầu hết các bậc cha mẹ, bỏ qua tầm quan trọng của việc tập thể thao đối với sự phát triển của trẻ. Để trẻ lười vận động dẫn đến chậm phát triển một số kỹ năng nhất định.

– Thay đổi: Tập thể dục có lợi cho sự phát triển thể chất của trẻ. Cố gắng dành thời gian cho trẻ tham gia một số môn thể thao và trò chơi, không chỉ rèn luyện cơ thể mà còn vun đắp mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái.

12. Hay nổi nóng

– Tác hại: Việc nổi nóng của bố mẹ trước hết gây ra gánh nặng tâm lý cho trẻ, khiến chúng sợ hãi, không có lợi cho việc phát triển tâm lý. Đồng thời, sẽ khiến trẻ trở thành người hay cáu gắt, không thể kiểm soát và quản lý tốt cảm xúc bản thân.

– Thay đổi: Người lớn cần học cách quản lý cảm xúc của chính mình. Khi thực sự không thể kìm chế được, cũng không nên bộc phát trước mặt trẻ, hãy tạo cho trẻ một không khí gia đình hòa thuận.

                                                                                                                Vy Trang (Theo qq)