Có nên trả tiền thuê ông bà chăm cháu?
Chuyên gia cho rằng các vợ chồng không nên xem việc ông bà chăm cháu là trách nhiệm mà cần trả công đầy đủ, coi trọng sức lao động của cha mẹ.
Bà Hương trông cháu nội từ khi cô bé chào đời cách đây hơn một năm, mỗi tháng nhận 5 triệu đồng từ con. Công việc hàng ngày của người phụ nữ 54 tuổi là cơm nước, giặt giũ, đưa cháu đi chơi.
Vợ chồng bà Hương trước đây làm nông ở Duy Tiên, Hà Nam. Từ khi ruộng đất bị thu hồi để làm khu công nghiệp, chồng chuyển sang nghề làm bảo vệ, bà xin làm vệ sinh cho các công ty, tháng kiếm 5-6 triệu đồng. Năm ngoái con dâu ở Hà Nội hết thời gian nghỉ thai sản muốn gửi con, thuyết phục mẹ chồng lên trông giúp, mỗi tháng gửi 5 triệu đồng.
Ban đầu bà Hương từ chối nhưng sau khi nghe con thuyết phục “gửi người ngoài không yên tâm, thuê giúp việc chưa chắc họ thương con cháu mình”, bà mủi lòng đành thu xếp công việc lên Hà Nội.
Gặp con, bà Hương nói sẽ trông cháu một năm, nhưng không nhận lương. Con dâu nói tiền thuê giúp việc đã 6-7 triệu một tháng, trả như vậy cho mẹ còn ít. Hơn nữa, không chỉ trông cháu, bà còn giúp cơm nước, dọn dẹp nhà cửa để con cái có thời gian tập trung cho sự nghiệp.
“Việc gửi tiền chăm cháu hàng tháng là chúng con muốn phụ giúp ông bà có thêm thu nhập khi phải nghỉ công việc hiện tại”, cô con dâu thuyết phục.
Dù bố mẹ có lương hưu nhưng anh Tuấn Vũ ở Hoài Đức (Hà Nội) vẫn gửi tiền trông cháu cho ông bà hàng tháng. Theo anh, trông trẻ không phải là nhiệm vụ hay trách nhiệm bắt buộc của người già. Muốn nhờ vả bố mẹ, phải xem đó như công việc làm thêm và trả lương đầy đủ, thể hiện sự coi trọng sức lao động của bố mẹ, cũng như giúp người già chủ động hơn về kinh tế khi ở tuổi thu nhập đã hạn chế.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (TP HCM) khi nhờ ông bà chăm cháu, việc trả tiền là đương nhiên và đó là trách nhiệm của con cái. “Bố mẹ đã dành cả đời vất vả nuôi nấng con cái trưởng thành. Đến khi tuổi cao, sức yếu họ cần được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng thay vì tiếp tục lao động. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó phải chăm cháu, con cái nên có kinh phí ngay cả khi ông bà không đòi hỏi”, bà Tâm nêu quan điểm.
Trong nghiên cứu “Già hóa dân số và người cao tuổi Việt Nam” của Tổng cục thống kê năm 2021, Việt Nam có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, 35% số này vẫn làm việc, còn lại là lao động trong gia đình không được trả lương, trong đó có chăm sóc cháu.
Với câu hỏi “Có nên trả tiền để ông bà trông nom cháu?”, 72% trong gần 1.800 độc giả của VnExpress cho rằng “Nên trả, vì công việc nào cũng đòi hỏi sức lực, thời gian”; 23% cho rằng thay vì trả tiền trực tiếp có thể mua tặng ông bà những thứ thiết yếu khác, trong khi 5% không muốn trả vì coi đó là trách nhiệm của ông bà.
Tiến Thọ, sống ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thuộc nhóm 5%. Anh cho rằng vì kinh tế không dư dả mới phải nhờ tới ông bà, giờ trả tiền khác gì thuê người ngoài. “Người thân trong gia đình giúp được gì thì giúp chứ ai lại đặt nặng vấn đề tiền bạc”, người đàn ông nêu quan điểm. Anh cũng cho rằng giờ tính tiền chăm sóc cháu, sau này già yếu, chẳng nhẽ con cháu lại tính tiền chăm ông bà.
Với tình huống này, bà Tâm cho rằng, ai cũng có cuộc sống riêng. Hiện nhiều người con vẫn nhận thức là ông bà rảnh rỗi, không có việc gì làm nên ra sức tận dụng, thậm chí còn ỷ lại vào lòng tốt của bố mẹ mà phó mặc con cái bởi suy nghĩ “đã có ông bà lo”. Đây là quan điểm sai lầm và ích kỷ.
“Nếu chưa đủ kinh tế chăm lo cho trẻ nhỏ, tốt nhất chưa nên sinh con”, chuyên gia nói.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, truyền thống gia đình Việt là cha mẹ luôn hy sinh cho con cái nhưng không vì thế mà ỷ lại. Mặt khác, việc gửi tiền trông cháu cũng là cách để giáo dục con cái cách sống tiết kiệm, có trách nhiệm với chính gia đình mình.
Theo bà Minh, chăm sóc trẻ nhỏ đòi hỏi nhiều sức lực, thời gian, không dễ dàng với bất kỳ ai. Người trẻ chăm con vất vả một thì bố mẹ già vất vả mười. Việc trả lương chăm cháu là cách để ông bà có thêm một khoản bồi dưỡng sức khỏe hoặc đi du lịch, giúp tinh thần phấn chấn.
Ngoài ra, một số người già không có lương hưu hay thu nhập cố định, việc nhận tiền bồi dưỡng chăm cháu cũng giúp họ có kinh tế, không phụ thuộc vào con cái. Khi có tiền, tâm lý người già cũng sẽ thoải mái, vui vẻ hơn.
Theo chuyên gia, tiền bồi dưỡng hàng tháng nhiều hay ít phụ thuộc vào tình hình tài chính riêng của mỗi gia đình. Một khi không muốn dùng tiền, có thể thay thế bằng cách mua sắm đồ dùng thiết yếu, những chuyến du lịch hay mua bảo hiểm, các gói thăm khám sức khỏe định kỳ vào lễ Tết hay dịp sinh nhật nhằm bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ. Điều này vừa cải thiện mối quan hệ trong gia đình vừa là cách để con cái báo hiếu.
Tuy nhiên không phải ai cũng tình nguyện nhận tiền, nhận quà của con cháu theo cách thức này. Bà Minh cho rằng, điều quan trọng nhất là thái độ và thời điểm thực hiện làm sao cho khéo léo. Nếu đưa theo kiểu ban phát, trả lương dễ khiến tình cảm gia đình rạn nứt.
Thanh Diệp ở TP HCM hiểu rõ cách hành xử này. Mỗi khi hè đến, con cái nghỉ học, người phụ nữ 35 tuổi đều nhờ bà nội lên chăm giúp cháu vài tháng. Dù bà không đòi hỏi nhưng dịp này chị đều biếu tiền, tương đương kinh phí thuê người giúp việc. Biết mẹ chồng là người nhạy cảm, Diệp luôn chọn thời điểm bà vui vẻ nhất, lúc chỉ có hai người rồi khéo léo đưa cho mẹ chồng.
“Người già sợ nhất là sự cô đơn và thiếu tôn trọng từ con cái”, chị nói và khẳng định, quan trọng hơn vật chất chính là cái tâm, sự thấu hiểu của con cái khi đối xử với cha mẹ, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Hải Hiền