Những nỗi lo của con cái khi bố mẹ về già
Cha mẹ sống thọ là điều con cái luôn mong đợi. Nhưng khi cha mẹ già, con cái cũng phải có sự chuẩn bị để đón nhận những vấn đề của chính mình.
1. Cha mẹ già, con cái cũng nhiều tuổi lên
Cơ thể con người là một quá trình lão hóa tự nhiên. Khi cha mẹ ở tuổi cao niên, con cái cũng đã vào tuổi trung niên, không còn được như thời thanh niên.
Không giống phương Tây, văn hóa Á Đông coi việc chăm sóc cha mẹ ở tuổi già là bổn phận, là trách nhiệm báo hiếu. Điều này vô tình tạo một áp lực về cả vật chất, lẫn tin thần lên người con, mà nếu không làm tròn trách nhiệm báo hiếu, họ có thể phải chịu sự chỉ trích, lên án từ xã hội, cộng đồng và sự xử phạt theo pháp luật.
Việc con cái chăm sóc cha mẹ khi bản thân họ cũng về già sẽ trở thành một khó khăn. Làm thế nào đủ sức lực, đủ tài chính để chăm lo cho bản thân lẫn chăm cho cha mẹ già của mình cũng là một vấn đề đáng lưu tâm.
2. Cha mẹ già cần sự nương tựa tài chính
Người già vẫn có những nhu cầu trong đời sống hàng ngày: lương thực phẩm, quần áo, chi phí thuốc men, thăm khám bệnh viện… Ở độ tuổi này, nguy cơ bệnh tật, sức khỏe giảm sút, mất khả năng vận động… đều ở mức cao, đi kèm với đó là chi phí y tế.Tất nhiên, một bộ phận người cao tuổi có lương hưu, có tiền để dành dụm trong suốt thời tuổi trẻ nhưng không phải ai cũng vậy. Với những người không có tài chính tích lũy, khi họ về già, việc con cái phải lo lắng chi phí sinh hoạt cho cha mẹ là điều không tránh khỏi. Đặc biệt, khi cha mẹ cao tuổi, con cái cũng bước vào tuổi trung niên hoặc về hưu, khả năng kiếm tiền không còn được như trước, dẫn đến nguồn lực tài chính thu hẹp lại.
3. Cha mẹ già cần sự quan tâm tinh thần
Bên cạnh việc chăm sóc về tài chính, thể chất, một trách nhiệm khác của con cái khi cha mẹ về già chính là chăm sóc tinh thần cho cha mẹ. Trong khi đó, con cái khi bước vào tuổi trung niên sức khỏe, thể chất tinh thần đều yếu đi. Thời gian này, thay vì tập trung tận hưởng cuộc sống, bù đắp những điều tuổi trẻ chưa có cơ hội thực hiện, nhiều người buộc phải tập trung cho việc chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ già, thậm chí phải ở bên giám sát, ngăn ngừa cha mẹ khỏi tai nạn. Do đó, khi cha mẹ già, con cái sẽ đối mặt với vấn đề làm sao để phân bổ thời gian cho bản thân lẫn người thân trong gia đình cho hợp lý.
Vậy có nên coi cha mẹ già là một gánh nặng?
Khổng Tử từng nói về ba mức độ lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ: “Mức độ cao nhất là có thể khiến cha mẹ tin cậy trọn vẹn, thứ hai là không làm cho họ thất vọng, mức thấp nhất chỉ đơn giản là có thể hỗ trợ cho họ kinh tế”.
Suresh Rajenthiran, một giám đốc tiếp thị và truyền thông người Malaysia từng chia sẻ quan điểm của mình: “Một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, chúng ta có thể cảm thấy rằng cha mẹ già của mình trở thành một gánh nặng, đặc biệt khi chúng ta đang cố gắng gây dựng sự nghiệp, các mục tiêu hay các mối quan hệ của mình. Nhưng nếu bạn biết những gì cha mẹ đã hy sinh cho bạn, bạn sẽ không còn coi đó là gánh nặng, mà là bổn phận của chính mình.
Đương nhiên, việc chăm lo cho cha mẹ ở tuổi già không bó buộc trong bất cứ quy định nào. Với một số người con, đó có thể là hỗ trợ tài chính để đem đến cho cha mẹ một chất lượng cuộc sống thoải mái, trong khi với những người con khác, đó có thể là việc quan tâm đến các vấn đề sức khỏe cá nhân.
“Chăm sóc” không nhất thiết phải là tiền bạc, vật chất, đôi khi chỉ đơn giản là dành thời gian, thể hiện sự yêu thương. Điều này được thể hiện qua những hành động nhỏ bé, giúp trấn an cha mẹ khi họ rơi vào tâm lý “mình là gánh nặng cho con cái”.
Thùy Linh (Theo QQ)