Những sự thật khi hẹn hò ở tuổi 30

Khi chạm ngưỡng 30, những cuộc hẹn hò có thể khiến bạn cảm thấy bực bội, choáng ngợp, nhất là khi bạn từng đi qua những thất vọng, tổn thương…

Sự thật là, hẹn hò ở độ tuổi 30 rất khác so với hẹn hò ở độ tuổi 20, thế nên, sự chuẩn bị tinh thần là rất quan trọng. Một số điều bạn cần nhớ khi hẹn hò ở tuổi này.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Tuổi tác chỉ là con số

Tuổi tác có thực sự quan trọng? Không nhiều lắm. Thế nên bạn đừng vội khước từ những đối tượng mà bạn cho là quá già, hoặc quá trẻ. Các mối quan hệ tồn tại vì hai người yêu nhau, ủng hộ lẫn nhau và có khoảng thời gian tuyệt vời bên nhau chứ không phải vì khoảng cách tuổi tác.

Nhà tâm lý học lâm sàng Vinita Mehta (Mỹ) khẳng định: “Khi hai người hẹn hò, chênh lệch tuổi tác không quan trọng bằng những khía cạnh khác, chẳng hạn như sự hấp dẫn về thể chất hay tính cách hòa hợp”.

Bạn thực sự muốn gì?

Ở độ tuổi đôi mươi, bạn có thể muốn một đối tác đẹp trai, lãng mạn, đủ khả năng đưa bạn đến một nhà hàng sang trọng. Mặc dù những điều đó thật tuyệt vời, nhưng khi bạn ở độ tuổi 30, có lẽ bạn sẽ muốn nhiều hơn thế ở một người bạn đời.

Nếu bạn chưa bao giờ thực sự nghĩ về những gì bạn muốn ở một đối tác, đây là thời điểm tốt để tìm ra nó. Cách tốt nhất là viết ra tên của một vài người bạn đã hẹn hò gần đây, sau đó liệt kê năm điều bạn thích và năm điều bạn không thích ở họ. Thông qua đó, bạn sẽ biết được chính xác mong muốn của mình về đối tác tương lai ra sao.

Bỏ qua quá khứ

Những người độc thân ở độ tuổi 30 đều đã đi qua những trải nghiệm buồn, vui trong tình yêu. Bạn và đối tác đều như vậy. Vậy thì nên bỏ lại quá khứ. Cần nhớ rằng buổi hẹn hò thứ ba không phải là thời điểm thích hợp để thảo luận về việc người yêu cũ đã lừa dối bạn như thế nào. Quá khứ đã định hình bạn là ai, nhưng điều đó không phải là hiện tại hay tương lai của bạn. Thay vào đó, hãy tập trung vào những gì đang xảy ra trong hiện tại, tương lai.

Đừng giữ tâm lý “con chim sợ cành cong”

Khi bạn đã đi qua những cuộc tình không trọn vẹn, chắc chắn không thể nào thoát khỏi cảm giác tổn thương. Bạn có thể hình thành một “cơ chế bảo vệ tự nhiên”, dẫn đến sự đề cao cảnh giác trước những đối tượng mới.

Tuy nhiên, nếu bạn không cho người khác cơ hội, bạn cũng sẽ không tìm thấy cơ hội của chính mình. Ở thời điểm thích hợp, khi bạn gặp một người mà bạn thích, hãy cho mình cơ hội được mở lòng. Nếu điều này khiến bạn cảm thấy lo lắng, hãy tự nhủ mọi thứ sẽ ổn thôi.

Đừng tiêu cực

Ở tuổi 30, chắc chắn bạn sẽ dễ nản lòng, mệt mỏi với ý nghĩ “thật khó với tới hạnh phúc thực sự”. Nhưng điều quan trọng là đừng suy nghĩ tiêu cực.

Một điều tự nhiên, dễ hiểu là bạn có tâm lý nghĩ về những thứ mình chưa có: bạn chưa có người yêu, chưa kết hôn, chưa có con cái… Nhưng đó không phải là thứ nên tập trung. Nên tập trung vào việc tìm hiểu đối phương và tận hưởng những phút giây vui vẻ đó. Đừng quên một mối quan hệ phải mang lại niềm vui, tiếng cười và tình yêu, cho dù bạn đang ở độ tuổi 20, 30 hay 40 đi nữa.

Đừng bị tác động bởi những cặp ly hôn

Khi bạn ở độ tuổi ngoài 30 và chưa có người yêu, nhiều bạn bè đã kịp… ly hôn. Đừng để điều đó ảnh hưởng đến tâm lý của bạn, kể cả bạn hẹn hò với một người đã ly dị, điều đó cũng rất bình thường. Một trong những lợi thế của việc hẹn hò với một người đã ly hôn là họ có thể học được nhiều điều từ cuộc hôn nhân cũ và trưởng thành hơn trong mối quan hệ mới.

Giao tiếp là chìa khóa

Giao tiếp quan trọng cho bất kỳ mối quan hệ nào. Khi hẹn hò ở độ tuổi 30, bạn có thể nói chuyện với đối tác một cách cởi mở và trung thực. Tương tự như vậy, đối phương cũng sẽ nói chuyện với bạn một cách chân thành. Ngược lại, nếu bạn ngại giao tiếp, sẽ thật khó để mối quan hệ có thể tiến triển.

Trong trường hợp ngay từ đầu cuộc trao đổi đã là một sự gượng ép, đừng lãng phí thời gian của mình. Nếu bạn không thích họ, nên dần ngừng nói chuyện, ngừng nhắn tin và ngừng đi chơi với họ. Hãy để trực giác mách nước giúp bạn xem người đó có khiến bạn cảm thấy dễ chịu, thoải mái hay không. Nếu trực giác đưa ra cho bạn một số cảnh báo, tốt nhất là nên chậm lại.

Luôn là chính mình

Đừng cố biến mình thành một người khác, hoặc từ bỏ những giá trị cơ bản tạo nên con người bạn. Tiến sĩ tâm lý Suzanne Lachmann cho biết: “Đánh mất bản thân trong một mối quan hệ có thể tạo ra cảm giác lo lắng, giận dữ, thậm chí là tuyệt vọng, khiến bạn thể hiện bản thân theo cách cường điệu hoặc cực đoan, có thể đe dọa đến mối quan hệ”.

Ngừng đi tìm sự hoàn hảo

Ai cũng mong muốn một nửa tuyệt vời, và mong muốn đó của bạn hoàn toàn chính đáng. Nhưng hãy hiểu rằng việc đi kiếm tìm sự hoàn hảo chỉ là phí thời gian, bởi lẽ không ai là trọn vẹn. Chính bạn cũng vậy. Học cách thỏa hiệp các giá trị và tôn trọng sự khác biệt là vô cùng quan trọng trong một mối quan hệ.

Thùy Linh (Theo Brides)