Quy tắc “4 không nợ,3 không làm” mọi người nên biết

Không nợ tiền bạc, trách nhiệm, ân tình và thời gian được cho là bí quyết để gia đình hòa thuận, các mối quan hệ với họ hàng êm ấm.

Quy tắc “4 không nợ” gồm:

1.Nợ tiền bạc

Rất nhiều gia đình anh em mâu thuẫn, từ mặt nhau vì nợ nần không rõ ràng, dứt khoát. Thực tế chứng minh, đồng tiền có thể làm tổn thương tình cảm, kể cả tình cảm anh em ruột thịt trong gia đình. Do đó, dù mối quan hệ tốt đẹp đến đâu, bạn cũng cần phải minh bạch tài chính ngay từ đầu.

Trong trường hợp bạn rơi vào thế bắt buộc, trở thành người đi vay, hãy cố gắng giữ chữ tín, kể cả “chủ nợ” là anh chị em ruột của bạn đi nữa.

2.Nợ trách nhiệm

Cuộc đời là một sân khấu lớn, chúng ta và những người thân thiết có thể đóng những vai trò khác nhau như con cái, cha, mẹ, chồng, vợ, anh, chị, em … Mỗi vai trò đều có trách nhiệm và nghĩa vụ riêng.

Nợ trách nhiệm là không hoàn tất trách nhiệm của mình, trong vai mà bạn được giao phó. Ví dụ, là con, bạn phải gánh vác trách nhiệm quan tâm, chăm sóc cha mẹ già. Là cha mẹ, bạn phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con. Là vợ chồng, trách nhiệm của bạn với bạn đời là chung thủy, bao dung… Trốn chạy trách nhiệm, đẩy trách nhiệm cho người khác sẽ khiến gia đình bạn không bao giờ hạnh phúc.

Năm 2019, ở Trung Quốc từng xảy ra một vụ kiện hi hữu, gây xôn xao dư luận. Vợ chồng ông Zhang, đều hơn 70 tuổi, ở huyện Tương Thành, tỉnh Hà Nam đã kiện con trai vì bỏ bê hỗ trợ tài chính cho họ. Khi tòa án truy cứu trách nhiệm, người con thừa nhận mình có tiền gửi ngân hàng nhưng không chu cấp cho cha mẹ. Dư luận sau đó đã chỉ trích người con vì nợ trách nhiệm với cha mẹ già.

3.Nợ ân tình

Nợ ân tình là thứ nợ khó trả nhất. Mắc nợ ân tình cũng là thứ nợ nần khiến con người day dứt nhất. Do đó, học cách trả ơn giúp bạn hạnh phúc hơn, hài lòng hơn trong cuộc sống.

Đương nhiên, trả nợ ân tình là điều không dễ dàng, bởi người cho đi đôi khi không tính toán, người trả lại càng không biết bao nhiêu cho đủ. Ví dụ, lòng tốt của cha mẹ là thứ không gì đong đếm được, trả nợ ân tình của cha mẹ không biết bao nhiêu cho đủ. Thái độ biết ơn, tình cảm hiếu nghĩa của con cái là món quà trả ơn tốt nhất cho cha mẹ.

4.Nợ thời gian

Thời gian của mỗi con người trong đời là hữu hạn. Do đó, hãy dành thời gian cho người thân yêu của mình. Đừng hứa hẹn dành thời gian cho họ rồi bận rộn chạy theo đam mê của riêng mình. Đến khi bạn có thời gian dành cho họ, có thể họ sẽ không còn ở bên bạn nữa.

Quy tắc “ba không làm” gồm:

1.Không khoe khoang

Bạn mua một chiếc xe mới, một ngôi nhà mới, một món đồ trang sức mới… và rất hãnh diện về nó. Tuy nhiên, hãy cố gắng không khoe khoang những điều đó vì có thể làm nảy sinh tâm lý so sánh, tị nạnh, giảm tình cảm đoàn kết trong gia đình.

Trong tâm lý học, theo Định luật Murphy, con người càng không có cái gì thì sẽ thích khoe khoang cái đó. Việc khoe khoang thể hiện bản chất “chưa có đủ”, đi ngược với quy luật “bông lúa càng trĩu nặng càng cúi đầu”.

2.Không tọc mạch các vấn đề riêng tư

Dù mối quan hệ của bạn và anh chị em có tốt đẹp đến đâu thì cũng cần hiểu rằng, mỗi người đều có một góc khuất không muốn ai can dự. Tôn trọng người ấy chính là tôn trọng gia đình và tình cảm của bạn dành cho họ. Nếu họ có nhu cầu muốn chia sẻ, họ sẽ nói với bạn. Nếu họ muốn im lặng, muốn giấu kín, tốt nhất đừng nên tò mò tìm kiếm, đào xới và làm họ tổn thương.

3.Không chỉ trích, nói xấu

Người xưa có câu “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Anh chị em trong nhà, vợ chồng, con cái đừng nói xấu, cũng đừng mang chuyện nhà ra kể lể, chỉ trích đối phương với kẻ thứ ba. Câu chuyện của gia đình bạn có thể nhỏ nhưng truyền qua miệng người này, người khác có thể bị thay đổi, làm tổn thương bạn lẫn những người thân thiết. Thế nên tốt nhất là “đóng cửa bảo nhau”.

                                                                         Thùy Linh (Theo Aboluowang)