Sai lầm khi cha mẹ coi con cái là tài sản
Con cái không phải là tài sản của bố mẹ bởi tình yêu thương không phải là áp lực, mà để trẻ được sống cuộc đời của chính chúng.
Gần đây trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc có một bài đăng thu hút gần 300.000 lượt thích. Người đăng bài kể, trong một quán ăn có bà mẹ liên tục cằn nhằn về đủ thứ của cô con gái khoảng 20 tuổi như màu son môi, quần áo. Cô gái cầu xin mẹ đừng nói nữa, thậm chí xin lỗi nhưng người mẹ không chịu buông tha, tiếp tục buông lời chì chiết.
Đến lúc không thể chịu đựng nổi, thiếu nữ phản kháng bằng cách lấy son môi từ trong túi và bôi lên mặt mình như một kẻ điên và tiếp tục ngồi ăn như không có chuyện gì xảy ra. Người mẹ sững sờ vài phút rồi tiếp tục mỉa mai.
Người đăng bài chia sẻ, bản thân anh cũng thấy sốc vì sự việc, không nghĩ người mẹ lại bàng quan với cảm xúc của con gái mình như vậy. Cuối bài, người này mượn câu nói của nhà tâm lý học nổi tiếng, giáo sư ĐH Bắc Kinh Lý Tạ để kết thúc: “Những đứa trẻ bị cha mẹ coi như một thứ tài sản, ép làm những việc bản thân không thích sớm muộn cũng sẽ tuyệt vọng, tự đánh bại chính mình “.
Trong phần bình luận dưới bài viết, rất nhiều người dùng cũng chia sẻ trải nghiệm tương tự. “Bố mẹ không chấp nhận việc tôi mặc áo sơ mi ngắn tay hở eo. Họ liên tục mắng mỏ khiến tôi chỉ muốn nhảy khỏi ôtô dù đang trên đường”, một người viết. Trong khi người khác chia sẻ: “Cha mẹ vì muốn kiểm soát tôi nên đã lấy trộm mật khẩu điện thoại di động, đợi tôi ngủ say rồi mở khóa lén đọc”.
Theo giáo sư tâm lý Lý Tạ, những cha mẹ này luôn coi con cái như tài sản riêng và dùng những tiêu chuẩn của chính mình để rèn luyện và sửa chữa trẻ. Một khi bị phản kháng, họ sẽ viện ra nhiều lý do khác nhau như “Tất cả chỉ vì lợi ích của con”; “Mẹ sẽ chẳng quan tâm nếu như con không phải con mẹ” và dùng mọi quyền lực để yêu cầu trẻ phục tùng vô điều kiện.
Khi trẻ còn nhỏ, ý thức tự giác chưa nhiều chúng sẽ làm theo lời cha mẹ. Nhưng lớn lên trẻ sẽ có suy nghĩ độc lập, việc bị hạn chế bởi những nguyên tắc của cha mẹ sẽ khiến chúng sợ hãi, tức giận, đôi khi tuyệt vọng. Một khi những suy nghĩ tiêu cực bị tích tụ, trẻ sẽ quay lại phản kháng, thậm chí có những hành vi dại dột.
“Nhiều cha mẹ không coi con cái là một cá thể độc lập mà luôn nghĩ đó là thứ tài sản nên bắt trẻ phải vâng lời. Hành động này sẽ gây ra những tổn thương không thể bù đắp cho trẻ trong suốt cuộc đời sau này”, chuyên gia nói.
Lindsay Burgeson, tiến sĩ tâm lý của ĐH Augsburg (Mỹ) đã dành 30 năm nghiên cứu động cơ tâm lý đằng sau việc kiểm soát của cha mẹ và nhận thấy, những người thích kiểm soát con cái thực sự chưa trưởng thành về mặt cảm xúc.
Trong cuộc sống, những cha mẹ này coi mình là trung tâm và đặt cảm xúc, suy nghĩ của bản thân lên hàng đầu. Về cơ bản, họ cố gắng hết sức để thống trị con cái bởi vì không muốn trẻ phá hủy trật tự nội tâm của bản thân để mang lại cảm giác an toàn trọn vẹn. Ví dụ, nếu con học giỏi, các kỳ thi đều đứng đầu thì bố mẹ sẽ kiêu hãnh và được vinh quang. Con lễ phép, ngoan ngoãn là được tiếng do dạy dỗ tốt và chứng minh mình giỏi hơn những cha mẹ khác.
“Trong mắt họ, trẻ em giống như một loại công cụ, mọi việc phải làm theo kịch bản đã được định sẵn, không được phép bất tuân. Họ không hiểu rằng, con cái không phải là tài sản được cha mẹ dùng để khoe khoang hay lấy mặt”, Lindsay Burgeson khẳng định.
Nhà giáo dục nổi tiếng Trung Quốc Trần Hạc Linh, nguyên Chủ tịch hiệp hội tâm lý tỉnh Giang Tô từng đưa ra một quan điểm “tốt nhất hãy làm cha mẹ một tay”. Theo ông, ”cha mẹ một tay” có nghĩa là khi con cái cần, bố mẹ sẽ giúp đỡ, khi con cái không cần, bố mẹ nên để cho con sự tự do.
Chuyên gia gợi ý có thể cho trẻ 5 quyền tự do sau.
3 tuổi, được ăn tự do
Ở lứa tuổi này, nhiều trẻ thậm chí không tự đút ăn mà phải nhờ vào người lớn, điều này sẽ hạn chế khả năng tự phát triển của trẻ.
Trẻ 2-3 tuổi đã bắt đầu có ý tưởng riêng nên việc ăn uống, tự đi giày dép không cần người lớn can thiệp. Lúc này, bố mẹ nên rút lui khỏi bàn ăn và cho con sự tự do để trẻ có thể quyết đoán và tự lập hơn.
5 tuổi, được tự do ngủ một mình
Ở góc độ tâm lý học, trẻ 3 tuổi đã có thể phân biệt rõ ràng giới tính. Bởi vậy, ngủ riêng giường khi trẻ 5 tuổi có thể giúp chúng hiểu rõ hơn về giới tính của mình và học được ranh giới trong việc tương tác với người khác. Nếu trẻ vẫn chưa thích nghi được, cha mẹ nên nói với con việc sau này trẻ sẽ phải ngủ riêng giường, giúp chúng dần hình thành ý thức ngủ riêng.
Để bắt đầu, cha mẹ nên mua một chiếc giường mà bé thích, cùng trang trí phòng để trẻ nhận ra rằng “Con đã muốn ngủ một mình”. Thực tế việc ngủ riêng giường đòi hỏi cha mẹ phải kiểm soát sự lo lắng về việc chia ly con ở một mức độ nhất định, tuy nhiên đây là cơ hội để trẻ trở nên tự lập hơn.
8 tuổi, được tự do làm việc nhà
Trong 10 năm làm hiệu trưởng Đại học Stanford, Mỹ, bà Julie Himes phát hiện ra nhiều sinh viên mới nhập học thậm chí còn thiếu những kỹ năng sống cơ bản. Ví dụ cha mẹ phải đưa đón con đến trường và giúp trang trí phòng ký túc xá. Trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào, con cái đều phải xin ý kiến bố mẹ bởi đã quen mọi việc đều có người lớn lo liệu.
Vì lý do này, nữ hiệu trưởng đã kêu gọi trau dồi những kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất cho trẻ, bắt đầu từ làm việc nhà và trải nghiệm “sự chủ động” ngay từ khi còn nhỏ như tự sửa soạn sách vở, giặt quần áo hay dọn phòng.
“Một đứa trẻ có thể tự lo liệu cuộc sống của mình ngay từ khi còn nhỏ sẽ dễ thích nghi, tự lập và hoạt động tốt hơn trong xã hội sau này”, bà Julie Himes nói.
10 tuổi, tự do kết bạn
Giao lưu với bạn bè đồng trang lứa là bước khởi đầu để trẻ rời xa ánh mắt của cha mẹ và bắt đầu bước đi trên con đường riêng của mình. Trẻ từ lứa tuổi lên 10 nên được phép quyết định ai là người bạn thật sự của mình.
Để tránh con kết bạn với người xấu, điều cha mẹ cần làm là thiết lập nguyên tắc về tình bạn và cho trẻ biết có thể kết bạn với ai và nên thận trọng khi kết bạn như thế nào. Khi phát hiện con kết bạn xấu, đừng vội phủ nhận mà hãy tìm cơ hội thích hợp để phân tích và lý luận với trẻ. Tự do kết bạn không chỉ giúp trẻ có không gian tham gia các hoạt động xã hội mà còn đáp ứng nhu cầu tình cảm của trẻ.
13 tuổi, tự do đóng cửa
Nhiều cha mẹ thấy khi con đến tuổi thiếu niên, chúng sẽ chọn cách “đóng cửa” hoặc “khóa cửa”, không cho bố mẹ vào phòng. Trên thực tế, việc “đóng cửa” là chuyện bình thường đối với trẻ mới lớn nhằm khẳng định “Con đã lớn rồi, cần có không gian riêng” và cha mẹ phải học cách hiểu và chấp nhận điều đó.
Khi cha mẹ biết rằng trẻ bắt đầu có thế giới nhỏ của riêng mình, đừng cố gắng cạy cửa. Lần sau muốn vào phải gõ cửa trước. Cho phép trẻ đóng cửa sẽ mở ra con đường tự lập cho con.
Từ 5 gợi ý của mình, nhà giáo dục Trần Hạc Linh chia sẻ: “Nếu thực sự yêu con, hãy cố gắng buông bỏ và từ từ rút lui khỏi thế giới của trẻ. Chỉ bằng cách quan sát chúng từ xa và cho phép trẻ làm chủ chính mình, bạn mới có thể mang lại cho con nửa sau cuộc đời hạnh phúc”.
Trang Vy (Theo sohu)